Mùa hè đã tới và đây là thời điểm “khắc nghiệt” nhất với các bác tài khi phải di chuyển trên những cung đường đầy nắng với nền nhiệt mặt đường có thể lên tới 70-80 độ C. Nhiều bác tài cho rằng một chiếc máy lạnh sẽ thật tốt cho thời điểm này để xoa dịu nỗi vất vả. Tuy nhiên chọn máy lạnh hay điều hòa cho xe tải, câu hỏi này không phải dễ trả lời.
Máy lạnh hay điều hòa?
Trước hết, chúng ta cần tìm hiểu sự khác biệt cơ bản giữa máy lạnh và máy điều hòa bởi chúng thường được gọi chung dưới cái tên “máy điều hòa” và là nguyên nhân mất tiền không đáng có cho nhiều bác tài.
Máy lạnh có tính một chiều – tức là chỉ có khả năng làm lạnh, hạ nhiệt bầu không khí nóng tại môi trường làm việc. Trong đời sống, chúng ta thường gặp nhất với tên gọi điều hòa một chiều – vốn được lắp rất nhiều trong các gia đình.
Máy điều hòa thì đắt hơn và phức tạp hơn máy lạnh. Máy điều hòa có tính hai chiều: nóng thì làm mát và lạnh thì làm ấm. Trong đời sống, máy điều hòa thường được gọi dưới cái tên máy điều hòa hai chiều nhưng thực chất về nguyên tắc kỹ thuật, cái tên “máy điều hòa” là đủ.
Mô hình hoạt động của hệ thống điều hòa không khí
Xe tải nên lắp máy lạnh hay máy điều hòa?
Tùy theo môi trường hoạt động thường xuyên của phương tiện mà các bác tài có thể lựa chọn máy lạnh hoặc máy điều hòa. Tuy nhiên do đặc tính của phương tiện xe tải là di chuyển quãng đường xa, tới nhiều vùng miền của đất nước, lời khuyên của chúng tôi là các bác tài nên lựa chọn điều hòa không khí, mặc dù chi phí có thể cao hơn đôi chút. Vì sao?
Ở nước ta có những vùng khí hậu khác nhau, nếu lái xe ở Miền Bắc hoặc ngay khu vực Tây Nguyên vào các tháng trời rét thì sự chênh lệch nhiệt độ giữa lạnh ngoài trời và không khí nóng (ấm) ở bên trong cabin sẽ làm hơi nước ngưng tụ lại gây mờ kính chắn gió. Tài xế lái xe những lúc như vậy sẽ không an toàn và rất nguy hiểm do hạn chế tầm nhìn, nhất là vào ban đêm trời tối và mờ sương. Lúc này một chiếc xe được trang bị điều hòa sẽ có thêm tính năng sưởi ấm kính chắn gió, tức là làm bề mặt kính bên ngoài tương đương nhiệt độ bên trong, làm mất đi khả năng kết tụ hơi nước, giữ cho tầm nhìn an toàn luôn được đảm bảo.
Tuy nhiên trên thực tế, hệ thống điều hòa chưa được các nhà sản xuất và nhập khẩu trang bị đầy đủ nhằm mục đích giảm chi phí bán ra, đặc biệt với các dòng xe tải nhẹ. Trong số các nhà sản xuất và nhập khẩu xe tải Nhật Bản tại Việt Nam thì hiện chỉ có Hino Motors Việt Nam là trang bị mặc định hệ thống điều hòa 2 chiều của Denso (Nhật Bản) cho tất cả các phiên bản xe tải nhẹ 300 Series XZU650 (1,9 tấn), XZU720 (4,5 tấn) và XZU730 (5,5 tấn), giúp các bác tài có được một chiếc xe tiện nghi và thoải mái ngay từ khi xuất xưởng.
Hệ thống điều hòa Denso (Nhật Bản) được trang bị mặc định trên các mẫu xe tải nhẹ Hino 300 Series
Bảo dưỡng điều hòa trong mùa nóng
Để hệ thống điều hòa luôn hoạt động tốt, các bác tài cùng chú ý một vài điểm sau đây trong quá trình sử dụng:
– Khi khởi động động cơ, các bác tài không nên bật điều hòa cũng như các thiết bị điện khác mà nên hạ kính xuống và bật quạt gió ở số 1 để hơi nóng trong xe thoát ra. Khi vòng tua của động cơ đã ổn định lúc này chúng ta có thể bật điều hòa (Nút A/C) và sau đó điều chỉnh mức quạt gió để tạo độ lạnh sao cho vừa ý.
– Để tránh điều hòa khỏi quá tải và không làm nội thất trong xe nhanh hỏng, nên lưu ý giúp xe tránh nóng bằng cách đỗ xe nơi râm mát, dưới tán cây hoặc có bạt phủ để che nắng.
– Giống như tại gia đình, hệ thống điều hòa trên xe cũng bị bụi bẩn bám vào lưới lọc và quạt gió từ đó gây tắc nghẽn khiến hơi lạnh không vào được cabin xe. Do đó, sau vài tháng sử dụng, các bác tài cần vệ sinh lưới lọc và thay thế nếu cần. Bên cạnh việc làm sạch lưới lọc, bạn cũng nên kiểm tra dây cao áp, dây thấp và bảo dưỡng dàn nóng/lạnh của hệ thống điều hòa đồng thời bổ sung môi chất làm lạnh nếu bị hao hụt.